SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG SINH TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

10 tháng trước

1. Kháng sinh là gì?

Kháng sinh là hoạt chất tự nhiên được chiết xuất từ vi sinh vật (thường là vi nấm) có tác dụng chống vi khuẩn. Theo nghĩa rộng, một số thuốc có nguồn gốc tổng hợp (như metronidazole, các quynolone) cũng được xếp vào thuốc kháng sinh. 

 

Thông thường, thuốc kháng sinh được sử dụng để kiểm soát các vi khuẩn gây bệnh. Do việc sử dụng không đúng cách, bao gồm cả liều lượng và loại kháng sinh sử dụng đã gây ra hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh và tích tụ dư lượng thuốc kháng sinh trong thịt thuỷ sản. Một nguyên nhân khác gây ra hiện tượng này là việc sử dụng các loại kháng sinh với hàm lượng nhỏ được phối trộn trong thức ăn của thuỷ sản với mục đích được người nuôi cho là kích thích tăng trưởng và phòng bệnh, đây là một nhận thức sai lầm về sử dụng kháng sinh. Trong sử dụng kháng sinh nhiều khi phải dùng phối hợp 2 kháng sinh trở lên cùng lúc để đạt hiệu quả trong điều trị. Sự phối hợp kháng sinh nhằm đạt các mục đích:

  • Mở rộng phổ kháng khuẩn và loại trừ nguy cơ xuất hiện chủng vi khuẩn đề kháng thuốc.
  • Trị bệnh trong trường hợp nhiễm trùng kết hợp hoặc cần tác động hiệp lực.

2. Cơ chế tác dụng của kháng sinh

Để việc sử dụng kháng sinh được hiệu quả hơn, an toàn hơn và tránh những tác hại của nó, chúng ta cần hiểu rõ về cơ chế tác dụng của chúng.

  • Kháng sinh tác dụng lên các quá trình của tế bào: Kháng sinh có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp thành tế bào của vi khuẩn như các thuốc thuộc nhóm β lactamin, nhóm glycopeptide (vancomycin), nhóm polymycine (baxitracin). Ngoài ra, kháng sinh có tác dụng ức chế chức năng của màng tế bào và màng nguyên sinh chất như nhóm kháng sinh polymycine (colistin), gentamicin, amphoterricin.
  • Kháng sinh tác dụng lên hệ phi bào: Kháng sinh tác dụng gây rối loạn và ức chế quá trình sinh tổng hợp protein của vi khuẩn ở mức ribosome, kết quả là vi khuẩn tổng hợp nên các protein dị dạng không cần thiết cho sự nhân lên của tế bào. Bên cạnh đó, nó còn tác dụng ức chế tổng hợp nhân tế bào (tổng hợp các axít nucleic, bao gồm cả ADN và ARN của nhân và nguyên sinh chất trong tế bào).

 

3. Phối hợp kháng sinh

Việc sử dụng cẩn trọng và có hệ thống các loại kháng sinh sẽ giải quyết được một nửa các vấn đề gây ra hiện tượng kháng thuốc kháng sinh. Vấn đề cũng có thể được giải quyết bằng cách phối hợp 2 loại kháng sinh khác nhau có hình thức tác dụng khác nhau lên vi sinh vật. Lý do là các vi sinh vật rất ít có khả năng kháng được cả hai loại kháng sinh khác nhau.

Khi phối hợp hai kháng sinh, cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

  • Nguyên tắc thứ nhất: Hai kháng sinh phối hợp nên có cùng loại tác dụng (hoặc cùng có tác dụng hãm khuẩn hoặc cùng có tác dụng diệt khuẩn). 
  • Nguyên tắc thứ hai: Không phối hợp hai kháng sinh thuộc cùng một cơ chế tác dụng hoặc gây độc lên cùng một cơ quan.
  • Nguyên tắc thứ ba: Không phối hợp hai kháng sinh kích thích sự đề kháng của vi khuẩn.

4. Tình trạng sử dụng kháng sinh trong thủy sản

Các loại kháng sinh thông dụng được dùng để trị các bệnh nhiễm khuẩn trong nuôi trồng thủy sản gồm: nhóm sulfonamid, nhóm tetracycline, nhóm Quynolone, Erythromycin. Sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn trên động vật thủy sản, đặc biệt là đề kháng với nhóm β-lactam là nghiêm trọng. Việc gia tăng kháng kháng; sinh của vi khuẩn đã được chứng minh là có nguyên nhân từ việc sử dụng kháng sinh không đúng cách. Việc sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi trong nuôi trồng thủy sản có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như gây độc, biến đổi hệ vi khuẩn của người tiêu dùng hoặc làm cho người tiêu dùng cũng bị kháng thuốc. Sau đây là một số trường hợp sử dụng không đúng cách:

  • Dùng kháng sinh để trị các bệnh do virus gây ra, dùng kháng sinh điều trị các triệu chứng gần giống nhau nhưng chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, do bà con quan sát bằng mắt thường thấy tôm, cá thay đổi bất thường nên bổ sung kháng sinh để phòng bệnh.
  • Dùng kháng sinh không đúng liều, dùng liều quá cao có thể gây ngộ độc cho vật chủ ảnh hưởng đến khả năng chống chịu với bệnh, dùng liều quá thấp cũng sẽ làm thất bại trong điều trị và dẫn đến vi khuẩn kháng thuốc.
  • Điều trị chỉ dựa vào việc sử dụng kháng sinh, không sử dụng các liệu pháp hỗ trợ, chậm hết bệnh, làm cho việc điều trị kéo dài.
  • Thiếu thông tin đầy đủ về vi khuẩn gây bệnh. Đây là trường hợp phổ biến nhất và có lẽ khó cải thiện nhất. Đa số bệnh được bà con chẩn đoán và điều trị chỉ dựa vào những thay đổi của tôm, cá mà bà con quan sát bằng mắt thường thấy được.

Lạm dụng kháng sinh bừa bãi trong việc điều trị bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến tôm nuôi: lạm dụng kháng sinh để phòng ngừa bệnh khiến cho tôm chậm lớn, hệ vi khuẩn đường ruột kém làm tăng hệ số FCR (hệ số thức ăn) làm tăng giá thành sản xuất tôm, gây thiệt hại kinh tế cho bà con nuôi tôm.

Lạm dụng kháng sinh để giúp tôm vượt qua nguy cơ nhiễm bệnh nhưng mang lại hậu quả nghiêm trọng cho con người: người sử dụng sản phẩm thủy sản mang dư lượng kháng sinh tồn đọng, gây lờn kháng sinh và gây các bệnh lý nguy hiểm cho người

Lạm dụng kháng sinh khiến cho các quy định xuất khẩu tôm, cá thêm phức tạp vì yêu cầu tôm, cá sạch và không mang dư lượng kháng sinh. Khiến cho thương lái ép giá tôm, cá của bà con làm thu nhập giảm, tôm nhiễm kháng sinh có thể không xuất khẩu được khiến tôm ùn ứ làm giá trị tôm đầu ra giảm, thu nhập giảm đi. Vì vậy, vấn đề lạm dụng kháng sinh hết sức cần chú tâm và quản lý chặt chẽ.

5. Hạn chế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản bằng phương pháp sinh học

 

Để hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản thì bà con nên có những biện pháp phòng ngừa bệnh ngay từ giai đoạn khởi đầu như: chuẩn bị ao, xử lý nước, chọn con giống,…

  • Giai đoạn đầu bà con có thể vệ sinh ao nuôi, xử lý nguồn nước vào để hạn chế nhất mầm bệnh tiềm ẩn trong ao. Sử dụng các loại thuốc diệt khuẩn mức độ nhẹ để diệt vi khuẩn gây hại tồn tại trong ao, sau khi cấp nước vào có thể sử dụng lại vi sinh để cấy lại hệ vi sinh cho ao nuôi.
  • Giai đoạn nuôi bà con có thể diệt khuẩn định kì bằng các sản phẩm có thành phần là gốc muối diệt khuẩn như iodine, thuốc tím,…và bổ sung vitamin C, men tiêu hóa cho tôm, cá có hệ tiêu hóa khỏe mạnh và tăng cường sức đề kháng vượt qua dịch bệnh.
  • Giai đoạn cuối vụ đến khi gần thu hoạch: lượng thức ăn cung cấp xuống cho tôm, cá tăng cao nên nảy sinh ra khí độc NO2, H2S, NH3. Ở giai đoạn này bà con cần chú ý đến vấn đề khí độc và bổ sung các loại vi sinh có thể xử lý hạn chế vấn đề khí độc cũng như thay nước nếu có thể để hạn chế tối đa vấn đề dịch bịch bùng phát khiến cho tôm, cá nhiễm bệnh và chúng ta lại lạm dụng kháng sinh để chữa bệnh.

Lưu ý khi sử dụng kháng sinh trong thủy sản

Để hạn chế việc vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trong thủy sản, chúng ta nên sử dụng một cách hợp lý:

  • Không sử dụng kháng sinh quá liều hoặc sử dụng khi chưa thấy biểu hiện bệnh.
  • Luôn đặt khâu vô trùng và diệt khuẩn lên hàng đầu để hạn chế lây lan mầm bệnh. Hạn chế sử dụng kháng sinh khi không cần thiết
  • Chỉ dùng khi điều trị bệnh do nhiễm vi khuẩn (không dùng điều trị bệnh virus gây ra)

6. Phương pháp lựa chọn kháng sinh trong thủy sản phù hợp

  • Kháng sinh như tên gọi của nó có nghĩa là chống lại các vi sinh vật, cụ thể là vi khuẩn. Vì vậy, thuốc kháng sinh chỉ nên dùng để điều trị các nhiễm trùng do vi khuẩn. Kháng sinh không điều trị các bệnh do vi-rút hoặc nấm.
  • Sử dụng kháng sinh đúng với loại vi khuẩn muốn hạn chế. Sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo và đúng thời gian để hạn chế vi khuẩn gây bệnh.
  • Lựa chọn những loại kháng sinh được bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép sử dụng trong thủy sản và nuôi tôm…Tránh sử dụng những loại kháng sinh lạ.
  • Chọn kháng sinh phổ hẹp. Hạn chế sử dụng kháng sinh phổ rộng có thể gây nhờn thuốc

Tóm lại, chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh trong thủy sản khi cần thiết, khi không còn phương cách khác để kiểm soát dịch bệnh, bởi vì việc sử dụng kháng sinh sẽ làm xáo trộn sự cân bằng vốn rất mong manh của môi trường thủy sinh, làm cho các sinh vật nuôi phải chịu nhiều điều kiện khắc nghiệt hơn.

Kháng sinh nào được dùng nhiều nhất và rộng rãi nhất thì có nhiều vi khuẩn kháng lại thuốc đó nhất. Khi vi khuẩn đề kháng gây bệnh và gây thành dịch thì rất khó điều trị, bởi vì chúng đề kháng đúng những thuốc đang thông dụng bà con dùng nhiều và không đắt tiền. Vì vậy, dùng kháng sinh phải thận trọng, chính xác và hợp lý và luôn ưu tiên sử dụng biện pháp sinh học thay vì dùng kháng sinh phòng bệnh.


https://gqsvietnam.com/storage/photos/1/logo.png GQS Vietnam luôn cam kết dành cho đối tác của mình chất lượng, uy tính và sự hỗ trợ chuyên nghiệp, nhiệt tình, chu đáo.

Chúng tôi chuyên cung cấp các dịch vụ như sau:

►  Viết dự án vốn vay ODA: Viết báo cáo nghiên cứu sinh kế, viết báo cáo tổng thể.

► Tư vấn, đào tạo, chứng nhận các tiêu chuẩn trong và ngoài nước như: VietGAP, Hữu cơ, GlobalGAP, EU Organic, USDA Organic, JAS, ASC, HACCP, GMP, SSOP, BRC, IFS, FSSC, BAP…

►  Liên kết chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa thông qua triển khai NĐ 98 về liên kết chuỗi.

►  Ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc điện tử QRcode và thương mại điện tử cho nông sản.

►  Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho các hợp tác xã, Xây dựng tiêu chí 13 trong nông thôn mới cho các xã.

Công ty TNHH Giải Pháp Chất Lượng GQS


Xem thêm >>